Nhân vụ Brexit và dư luận ca thán về “cú phản thùng của nền dân chủ, nước Anh bị kéo tụt bởi đám đông ngu dốt, thắng lợi của bầy đàn …”, bài này té nước theo mưa chém luôn về khái niệm “tâm lý bầy đàn” (herd mentality/behavior/instinct).

Con người trước nay luôn tự tin hơn các giống loài khác ở khả năng suy nghĩ, với tỷ lệ não/cơ thể xếp trong số đứng đầu. Đến giờ người ta vẫn chưa giải thích được tỏ tường giai đoạn tiền sử ngắn ngủi mà não người đột ngột tăng nhanh kích thước và giúp trí tuệ chúng ta thành quán quân trong giới động vật, bởi có vẻ như “Con người không vì nhu cầu nhất thiết mà phải có một vỏ não hay thuỳ trán phát triển đặc biệt, mà đã được ban tặng miễn phí”.

Dù có vẻ tự hào lẫn biết ơn mẹ tự nhiên như thế, lạ là chúng ta lại khá ngại sử dụng món quà này. Mỗi khi bầy đàn, mà loài người thì thường xuyên như thế, chúng ta đều thích xài luôn ý kiến ai đó thay vì tự nghĩ ra lựa chọn cho riêng mình.

Nhưng điều lạ hơn nữa, là tại sao “sự lười biếng đã được lập trình” này vẫn tồn tại đến bây giờ? Lại xem ra cũng chẳng có dấu hiệu nào sẽ biến mất?

Chọn lọc tự nhiên đã ngủ quên ở đâu trong suốt quá trình tồn tại ấy?

Liệu có khi nào, bản năng bầy đàn thật ra cũng hữu ích đâu đó hay chăng?

Để trả lời các câu trên, hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân chính khiến bạn và tôi hay bầy đàn:

1. Bằng chứng xã hội hay là Tôi làm bởi tôi đoán ai cũng làm

Trên đây là tên của học thuyết tâm lý nổi tiếng mô tả xu hướng suy nghĩ sau:

Nếu nhiều người cùng tin tưởng hoặc thực hiện một việc thì điều đó rất có khả năng đúng. Làm theo cho chắc.

Cách nghĩ này thiệt ra là hợp lý. Nếu mọi người đều kiểm nghiệm lựa chọn, rồi vẫn chọn, thì đó dễ là lựa chọn tốt. Đây chính là cơ sở việc ta tham khảo rating trước khi mua hàng, một thói quen rõ ràng là hữu ích.

Lỗ hổng ở đây chỉ là: Nhưng lỡ chả ai kiểm nghiệm cái gì, mà toàn dựa trên các giả tưởng về sự kiểm nghiệm của người khác (y như ta đang làm) thì sao?

Các bạn có lẽ còn nhớ truyện cười của Azit Nexin kể về người ta nối đuôi nhau đứng vào hàng chỉ bởi vì thấy có một hàng đang xếp, ai cũng nghĩ sắp vớ được món hời, thực ra ai cũng bị lừa bởi trò thuê chim mồi xếp hàng của anh bán mũ nọ.

Như thế, sự bầy đàn ở đây diễn ra như sau:

Tôi chọn không vì tôi nghĩ là đúng mà chỉ do tin vào lựa chọn của người xếp trước, không biết rằng anh này cũng chẳng nghĩ gì ngoài tin vào lựa chọn của anh xếp trước đó nữa, cứ thế cứ thế dẫn ra anh xếp đầu tiên. Và nếu anh đầu tiên này chọn sai, cả hàng sẽ tạch. Trong bộ phim The Big Short mới ra năm ngoái mô tả về cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, nhân vật của Selena Gomez cũng xài một metaphor tương tự minh hoạ cho hệ thống cho vay thế chấp đầy rủi ro. Trong đó, việc vay tiền của nhân vật này giống như việc đặt cược trong một ván xì dách, thật ra không có gì nguy hiểm; tuy nhiên với hệ thống ngân hàng Mỹ khi đó, tồn tại cơ chế cho phép những người khác đặt cược vào sự đặt cược của Selena, rồi cả những người khác nữa đặt cược vào sự đặt cược phái sinh ấy, cứ nối đuôi như thế cho đến khi rủi ro tích tụ theo cấp số nhân rồi hình thành bong bóng, bong bóng chỉ rình chờ rủi ro đầu tiên hiện thực hoá để vỡ. Thời điểm Selena thua bạc, cũng đánh dấu luôn thời điểm nước Mỹ sụp đổ.

Giờ ta xem xét nguyên nhân thứ hai, mới trông cũng khá giống nguyên nhân một:

2. Thác thông tin

Ở Pháp có 2 mạng di động lớn nhất là của Orange và của SFR. Khi học môn Logic công nghiệp, thầy tôi hỏi lớp câu sau:

“Tại sao mạng Orange lại lớn hơn SFR?”

Cả lớp tranh luận sôi nổi lắm, nào là vì thằng này cước rẻ hơn, chính sách phục vụ khách hàng tốt hơn, có vẻ nhiều máy (thuê bao đi kèm mua máy) cập nhật hơn, vv và vv. Thầy đợi các anh chị chém hết mới nói:

“Không phải, hiện tại Orange lớn hơn SFR bởi vì lúc đầu, Orange lớn hơn SFR”

Cụ thể là khi ra đời, vì lý do nào đó mạng Orange thu hút nhiều khách hàng hơn (ko đáng kể). Hồi đó người ta ít cơ hội so sánh chất lượng bằng cách thử dùng rồi nhảy mạng nên hay tham khảo ý kiến người đi trước. Orange nhiều khách hơn, và cũng tốt, nên các khách này sinh ra nhiều review tốt gửi đến bạn bè họ hàng hơn, lại kéo theo thêm nhiều khách nữa. Cả Orange lẫn SFR cùng đồng thời có chính sách “số miễn phí nội mạng”, người đi sau càng có xu hướng muốn join vào mạng có nhiều người thân của mình, y như người đi trước có xu hướng muốn khuyến khích họ làm như vậy. Kết quả dần dà là sự chiếm ưu thế của Orange so với SFR như ngày nay.

Người ta gọi lựa chọn bầy đàn kiểu này là đi theo mô hình “Thác thông tin”, mọi người không có cơ hội lựa chọn cùng một lúc, mà lần lượt theo nhau. Nó khác với xếp hàng kiểu “bằng chứng xã hội” ở chỗ kể cả khi những người đi trước có sự kiểm nghiệm thật sự (mạng Orange với họ là tốt thật) thì a dua theo vẫn có thể sai lầm. Bởi vì bài toán ở đây không còn là “Tốt không” mà đã trở thành “Tốt nhất chưa”. Cái tối ưu cần phải được tính toán từ dòng thác thường xuyên cập nhật từ mọi người. Tuy nhiên, khi tự giới hạn lựa chọn của mình thành giống người đi trước thì ta cũng đã vứt bỏ luôn quyền đóng góp so sánh của mình, lượng thông tin đổ thêm vào thác sẽ bằng zero, và nếu biểu diễn thác này như một hàm, thì đồ thị của nó sẽ là các điểm chụm, chững, tụ dần về các lựa chọn đầu tiên thay vì lựa chọn tối ưu được bình bầu bởi tập thể.

Dưng nói đi thì cũng nói lại, kể cả biết điều này, tin tôi đi, rồi bạn vẫn có thể lựa chọn hành động kiểu thác thông tin mà thôi. Không bầy đàn là một lựa chọn tốt cho cộng đồng nhưng với cá nhân thì hứa hẹn cả rủi ro đi cùng tưởng thưởng. Còn bầy đàn thì luôn an toàn. Nó không tốt nhất, nhưng đủ tốt. Vậy nếu bạn ko có đòi hỏi quá cao thì thú nhận đi, tội gì bạn chịu làm chuột bạch chỉ để cộng đồng có lựa chọn tối ưu hơn chớ? Thế nên đừng nhầm nhiều người bầy đàn là bởi họ ngu, thiệt ra họ chủ động chọn như vậy, đi kèm ra sức khuyến khích mọi người ko như thế, để thiên hạ làm giàu thêm thác thông tin sau này chính họ sẽ thụ hưởng d:

Chém thác chém gió thế đủ rồi, giờ ta sẽ xem đến nguyên nhân cuối cùng.

3. Áp lực ngang hàng/đồng lứa.

Hiện tượng này có thể thấy thường xuyên trong thời đại tiêu dùng ngày nay. Cách đây 20 năm, những lựa chọn mua sắm (ăn, mặc, chơi) của mỗi người đều gói ghém trong không gian riêng tư, nghĩa là chỉ hiện ra với một số ít người, qua một số ít dịp gặp mặt, và toàn thể thiên hạ không liên quan sẽ nằm ngoài khung cảnh ấy. Ngày nay thì riêng tư có nghĩa là một nửa thế giới có thể quan sát, và nửa còn lại thì tự cho phép được tò mò. Cuộc sống của mọi người được trưng bày sinh động, cập nhật, và ngay sát nhau trên dòng feed, nó tạo ra một nền tảng tự nhiên cho sự so sánh. Người ta có xu hướng chạy theo trào lưu nhiều hơn mà chả hiểu tại sao, đơn giản vì áp lực phải “bằng bạn bằng bè” là thường xuyên, đập vào mắt, và do đó bức thiết hơn.

Nhiều người hay dè bỉu chuyện này là “đua đòi” mà không biết nó bắt nguồn từ một tâm lý cũng tương đối tự nhiên và phổ quát: Mong được hoà nhập. Đa phần mọi người đều sợ bị tách khỏi cộng đồng, bị bỏ rơi, bị cô lập, bị từ chối. Và muốn “trendy” là một cách để có cảm giác bắt kịp với “nhóm của mình”, cảm giác vẫn đang neo đậu vào “thời của mình”, thay vì là một kẻ bên lề vĩnh viễn chôn chân nơi nào đó. Nói cách khác, người ta bầy đàn bởi người ta muốn giống nhau, và người ta muốn giống nhau vì người ta sợ bị bỏ lại. Bạn có thể nghe có những người gào lên “Không, tôi muốn khác biệt, tôi ghét ở trong đám đông” nhưng trong 96.53472734473% trường hợp, an tâm đi, lý do chỉ bởi vì “khác biệt” thời nay đang trendy, và họ không phiền nếu ý kiến “khác biệt” này lại được like chính bởi một đám đông đâu.

Nói chung mỗi lần như thế tôi lại liên tưởng đến phân đoạn kinh điển sau của bộ tứ huyền thoại Monty Python.

Brian: Các bạn không cần nghe theo tôi. Các bạn không cần nghe theo bất kỳ ai. Các bạn có thể tự suy nghĩ. Các bạn đều là những cá thể.

Đám đông (nhao nhao): Đúng đúng, chúng ta ĐỀU LÀ những cá thể

Brian: Tất cả các bạn đều khác biệt

Đám đông (nhao nhao): Đúng đúng, tất cả chúng ta ĐỀU khác biệt

Một giọng nói nhỏ bé yếu ớt: … nhưng tôi thì không …

Đám đông: Câm mẹ mày đi.

Life Of Brian (1979) - clip: "You're all individuals"

Ví dụ thứ hai thì chả hài hước tẹo nào. Từ bé đến giờ tôi đi xem bói, nghe gọi hồn, … cũng khá nhiều. Tôi không dị ứng cũng không háo hức, chỉ là sau nhiều lần đi thì nhận ra một thứ hay hay:

Ở đầu ca tiếp khách, các ông thầy bói, người gọi hồn, … rất thường xuyên chọn ai đó để hoặc mắng mỏ hoặc đưa ra những dự đoán tương đối kinh khủng. Đối tượng thường là người mà, vô tình hoặc ẩn ý lỡ nói ra vài lời phạm thượng như dám hỏi lại thầy chỗ này chỗ kia chẳng hạn. Sau màn phủ đầu này đa số người trong phòng sẽ đều tỏ ra khúm núm hơn rõ rệt. Với các tín đồ của coi bói thì dễ hiểu nếu một cơn thịnh nộ của đấng bề trên khiến họ thêm khép nép. Song tôi có cảm giác cơn thịnh nộ này lại ko nhắm vào họ, mà thật ra vào những người đang ngồi dưới kia nhưng trong bụng ngấm ngầm không tin.

Bạn có thể bảo: Ehh, nhưng không tin thì việc gì phải sợ thầy doạ hay mắng chứ?

Cũng đúng. Song sự trừng phạt thực sự thì không nằm trên miệng thầy, mà ở những gì diễn ra ngay sau đó.

Khi nạn nhân bị chửi mắng về chỗ, cảm giác như mọi người xung quanh đều dạt ra một chút, và không muốn tương tác gì với họ ít nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Có một không khí nặng nề căng trằn nào đó kéo dài vài giây mà tất cả cùng cảm thấy, cái quãng ấy dầu ngắn ngủi nhưng có lẽ đủ khiến kẻ nào trước đó nhăm nhe vuốt râu hổ thấy chợn lòng. Với vài câu doạ nạt, thầy bói đã vạch ra một ranh giới, và ép những người bán tín bán nghi kia phải ngầm cân nhắc: Nào, giờ thì chọn đi, đứng về phía tôi và tất cả, hay sẽ đứng một mình. Có không ít người, dưới áp lực vô hình này, sẽ nhắm mắt đưa chân chọn hoà vào đa số. Họ vẫn không tin, nhưng họ chấp nhận ậm ừ và dằn xuống những thắc thắc từng chờ chực bật ra, chỉ để vẫn được chấp nhận trong cái cộng đồng rất nhỏ nơi căn phòng ấy. Thầy thì tất nhiên cũng chẳng cần họ tin, chỉ cần những mầm mống bất ổn kia gác lại mưu toan đốt đền là thầy an tâm rồi.

He, mà kể viết đến đây nhận ra, cần gì đi coi bói, ngoài đời ta cũng gặp nhiều ông thầy bói ra phết đó chớ ^^.

Final verdict:

Như vậy ta đã thấy tâm lý bầy đàn không bắt nguồn từ sự ngu dốt, nhiều lúc còn chẳng do biếng lười. Nó phản ánh những logic có lúc là có lý (bằng chứng xã hội), hay lựa chọn an toàn (thác thông tin) hay một nhu cầu xã hội phổ biến (áp lực ngang hàng). Trong nhiều trường hợp, bầy đàn là một giải pháp khôn ngoan, thậm chí tốt nhất có thể. Vì thế, quá trình tiến hoá đã không sai khi quyết định lưu giữ lại đặc tính này cho loài người.

Nhưng mặt khác, vì cuộc đời của mỗi người không phải một chuỗi kết quả thống kê trung bình từ quần thể, mà gồm nhiều sự kiện đặc trưng cho riêng cá nhân ấy, nên chúng ta ko thể sống mà luôn luôn ỷ vào những nhận định kiểu “đa phần”. Bên cạnh cái thường hằng thì vẫn luôn có cái ngoại lệ, bên cạnh những tình huống hữu ích, vẫn có nhiều lúc bầy đàn dẫn đến quyết định sai lầm.

Tâm lý bầy đàn, do đó, chả thể nói là luôn trắng hay luôn đen, bài viết này không nhằm đưa ra một khẳng định như dao chém đá là nên trỏ ngón tay dè bỉu hay nên tuỳ ý thực hành, mà chỉ để mỗi người có thể hiểu mình hiểu mọi người hơn, và tự biết cân nhắc từng tình huống sao cho hiệu quả.

Cũng chính vì đúng sai là by case như thế, nên việc mặc nhiên coi đám đông cứ bầy đàn thì ắt sai sẽ là một nhận xét định kiến. Tôi đoán cái định kiến này ra đời ở Vn như sau:

Thuật ngữ “bầy đàn” được xài phổ biến ở nước ta tầm chục năm gần đây, và đa số lý luận nếu có tham chiếu thì hay từ cuốn Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon. Nhớ hồi tôi mới vào Linkhay (2010) thì em Krad (học tâm lý) cũng đã tua y xì đúc ý của cuốn này khi tranh luận, có vẻ đây là tài liệu được nhắc đên khi học tâm lý trong các trường Vn, có thể vì đây là cuốn đầu tiên về chủ đề này, trong đó anh Le Bon của thế kỷ 19 đã thẳng thừng là ra mặt coi thường đám đông (tôi nhớ tên tiếng Pháp của nó còn là Psychologie des foules - Tâm lý học của bọn điên lol). Tuy nhiên y như “Bàn tay vô hình” của cụ Adam Smith, một học thuyết được dạy trong các trường Kinh tế chủ yếu để giết thời gian và làm khổ sinh viên, học thuyết của cụ Le Bon ra đời từ thời Napoleon mặc quần thủng đít, với sự phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực này, đến giờ đã bị debunked khá nhiều, chúng vẫn có giá trị song không ai quan tâm tử tế đến các chủ đề này còn coi chúng là Kinh Thánh nữa. Nhưng rất tiếc những hiểu biết thô sơ của một vài học thuyết ấy đã kịp tuồn ra ngoài, lan ra toàn xã hội, để từ đó, cái đọng lại trên lưỡi nhiều người khi thốt lên 2 tiếng “bầy đàn” dường như chỉ còn là vị chua chát khinh mạn.

Như vậy là, suy nghĩ “cứ đám đông thì ngu dốt” trên thể hiện một hiểu biết vừa sơ khai vừa cổ hủ. Giả như đám đông sai thì đơn giản hãy chỉ luôn ra, vậy họ sai ở đâu, fair and square. Còn nếu cứ vin vào 2 chữ “bầy đàn” để kết luận, y như nhìn vào 52% Brexit đã tự tin được quyền ca cẩm về đám đông, thì cũng chả khác gì kết án không cần xét xử mà chỉ vì “ghét cái thái độ”. Hài hước là đó cũng chính là một dạng bầy đàn, tức là chỉ hùa vào phê phán đám đông mà chả hiểu ra đầu ra đũa, lặp lại một thuật ngữ hợp mode chỉ bởi nhiều người khác cũng từng dùng mà không thể nói được:

Thế thật ra trong hoàn cảnh này, có cái gì sai hay không?

He he, nhớ lúc tranh luận tui cũng nói mấy ý trên với Krad, sau lại kết luận một câu khá mếch lòng là “ấu trĩ, biết một không biết hai” chi đó, Krad ở đâu hiện hồn về chớ trách chị nha em, năm xưa không oánh nhau sao thành được huynh đệ tốt :P

Cuối cùng, quay về Brexit, tui thấy vụ 3 triệu người đòi bầu lại chưa nói lên gì hết. Nếu Bremain với tỷ lệ sát sao tương tự, có chắc gì đã không có vài triệu chú đột nhiên lên cơn áy náy “Trời ơi, tại tôi, tại tôi tất, tôi là tội đồ của lịch sử, chính lá phiếu của tôi đã làm nên cơ sự này” hay không? Cái này có chút giống như mặc cảm của người sống sót (survivor guilt) vầy, thua thì chả nói, cứ thắng là lại bắt đầu dằn vặt linh tinh.

Nhất là, dân Anh vốn thuộc loại vừa ngạo mạn vừa hay bi quan nhất châu Âu. Vầy nên với mọi câu hỏi, như một bạn ex từng chém, an tâm rồi sẽ luôn có 3 loại câu trả lời:

Các câu đúng

Các câu sai

Và các câu làm bọn Anh thấy hài lòng :-$

Avatar tác giả

Bài của khách

Tác giả: Bác sỹ G

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không nhất thiết trùng với quan điểm của Blog Măng cụt.

Viết cho Blog Măng cụt

BẠN ĐÃ ĐỌC CHƯA?

Bài khác

1. Phenol nào... và thế thì bao nhiêu (cùng tác giả)
2. Thực hư chuyện não trái não phải