Tất tần tật về chiếc kính thông minh của Google

Google Glass, chiếc kính thông minh của Google, đang là sản phẩm được chờ đợi sẽ tạo nên sự đột phá nhất hiện nay. Trên các trang công nghệ nước ngoài, các bài viết về kính Google xuất hiện liên tục. Vậy chiếc kính này như thế nào, và liệu nó có làm nên chuyện như Apple đã làm được với iPod, iPhone và iPad?

1. Kính Google là gì?

Kính thông minh của Google
Kính thông minh của Google

Kính Google được nghiên cứu và phát triển bởi phòng thí nghiệm bí mật Google X, nơi nổi tiếng với các công nghệ cho tương lai khác như xe không người lái, thang máy không gian (cho phép phóng tàu vào quỹ đạo mà không cần tên lửa đẩy). Thiết bị được tạp chí Times trao giải Phát minh của năm 2012 này có cấu hình tuơng tự 1 chiếc smartphone đời mới:

  • Hệ điều hành: Android
  • CPU: OMAP 4430 SoC, dual-core
  • RAM: 1 GB
  • Khả năng lưu trữ: 16GB
  • Màn hình: chiếu lăng trụ, 640 x 360 pixel
  • Camera: chụp ảnh 5MP, quay phim 720p
  • Âm thanh: công nghệ truyền âm qua xương
  • Kết nối: Wifi, Bluetooth, Micro USB
  • Thời lượng pin: một ngày khi sử dụng thông thường
  • Cảm biến: hầu hết các cảm biến thông dụng

Màn hình

Màn hình của kính gắn ở góc trên bên phải kính, hiển thị hình ảnh bán trong suốt (semi transparent) ở phía trên tầm mắt 1 chút. Cảm giác được mô tả là giống như nhìn vào "màn hình TV 25 inch HD ở cách mắt 8 feet (2.44m)", và được thiết kế sao cho "không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của mắt".

Âm thanh

Hệ thống âm thanh sử dụng công nghệ truyền âm qua xương. Ưu điểm của công nghệ này là không làm ảnh hưởng tới việc nghe các âm thanh bên ngoài khác.

Điện thoại

Kính không hỗ trợ SIM điện thoại. Tuy nhiên, bạn có thể thiết lập để kính liên kết với smartphone thông qua Bluetooth. Từ đó, kính có thể gọi điện, nhắn tin, gửi nhận email, sử dụng 3G và GPS của smartphone liên kết. Điều ngạc nhiên là chiếc điện thoại liên kết có thể chạy Android hoặc iOS (tuy nhiên, đối với iOS thì 2 tính năng tin nhắn và chỉ đường hiện tại chưa được hỗ trợ). Google cho biết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ bổ sung tính năng tin nhắn (SMS) và dẫn đường (GPS) mà không cần thông qua smartphone.

Điều khiển

Kính có thể nhận lệnh bằng giọng nói (hiện tại chỉ hỗ trợ tiếng Anh). Đây là cách chính để giao tiếp với kính. Bạn có thể bảo kính chụp hình, quay phim, chia sẻ lên mạng xã hội, tìm kiếm, dịch thuật, dẫn đường, gọi điện, nhắn tin, email vv. Thậm chí, kính còn tự động hiển thị các thông tin về lịch làm việc, chuyến bay, địa điểm, giá chứng khoán, kết quả thể thao, thời tiết vào thời điểm nó phán đoán là bạn cần các thông tin này.

Ngoài ra, trên gọng kính có tấm chạm (TouchPad) cho phép người đeo kính điểu khiển kính bằng tay. Phía trên tai phải còn có 1 nút điều khiển camera: ấn để chụp ảnh và giữ để quay phim.

Do kính được trang bị các cảm biến nên bạn có thể dùng các động tác đầu (như gật, lắc) để điều khiển kính. Chiếc kính thông minh này có thể nhận biết khi nào bạn bỏ kính ra hay đeo vào để tự động bật tắt. Sau một lúc ko dùng, kính cũng sẽ tự động "ngủ" nhằm tiết kiệm pin, hãy đánh thức nó bằng động tác ngẩng đầu. Bạn cũng có thể gật đầu lên xuống để cuộn qua danh sách các lệnh trên màn hình. Người ta còn phát hiện trong mã nguồn có dấu vết tính năng nháy mắt để chụp ảnh. Dù vậy, Google chưa kích hoạt chức năng này (có thể do lo ngại xâm phạm quyền riêng tư).

Mẫu mã

Google Glass được thiết kế khá tinh xảo, chắc, nhẹ, có 5 màu sắc để lựa chọn, và theo Google là "vừa vặn với mọi khuôn mặt". Kính đi kèm 2 cặp mắt kính, một trắng và một màu. Bạn có thể lắp mắt kính vào, hoặc đeo mà ko cần mắt kính. Hiện tại, Google chưa hỗ trợ việc lắp mắt kính thuốc (cận, viễn, loạn, vv). Nếu bị cận thị, bạn có thể đeo kính Google ra ngoài kính cận, hoặc dùng kính cận áp tròng. Google vẫn đang làm việc tích cực để hỗ trợ việc lắp các mắt kính thuốc vào Google Glass.

Kính Google trông rất bắt mắt

Google đang hợp tác với các công ty kính mắt nổi tiếng Warby Parker để thiết kế các gọng kính bắt mắt và thời trang hơn cho các phiên bản tiếp theo.

Ngày ra mắt và giá bán

Google đã cho các nhà phát triển ứng dụng và người dùng thử nghiệm đăng kí kính phiên bản Khám phá (Explorer Edition) với giá 1500 USD vào tháng 2 năm nay. Việc giao hàng bắt đầu vàng tháng 4. Google chưa công bố chính thức ngày sẽ phát hành rộng rãi bản chính thức cho người dùng đại chúng, nhưng có lẽ sẽ vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Giá bán bản chính thức cũng chưa được công bố, và được dự đoán là sẽ ngang 1 chiếc smartphone hiện đại.

Cho đến ngày bản chính thức ra mắt, các tính năng và mẫu mã còn có thể thay đổi.

2. Kính Google có gì hay?

Hãy tưởng tượng bạn cùng gia đình đi du lịch ở một địa điểm thú vị ở nước ngoài. Kính giúp bạn tìm kiếm thông tin về chuyến bay, và nhắc nhở để bạn không lỡ máy bay. Đến nơi, bạn nhờ kính tìm giúp một khách sạn được đánh giá tốt. Kính còn chỉ cho bạn nói "xin lỗi", "cảm ơn" và "xin chào" bằng tiếng bản địa thế nào để cảm ơn người lái taxi và nhân viên phục vụ. Sau đó, kính sẽ giới thiệu cho bạn một nhà hàng tốt để gia đình ăn tối. Kính cũng phát hiện và báo cho bạn biết là có vài người bạn cũng đang du lịch ở đây. Bạn liền bảo kính gọi cho 1 người để bạn hỏi thăm và hẹn đi bar. Tại quán bar địa phương, kính nhận mặt được 1 người nổi tiếng, và hiển thị câu trạng thái mới nhất trên Facebook fanpage của cô. Sau vài chén rượu, bạn còn nhờ kính điều tra số đo ba vòng của cô ta...

Ngày hôm sau, thời tiết đẹp, kính chỉ đường đưa gia định bạn đến 1 di tích nổi tiếng. Dọc đường đi, kính còn giúp bạn dịch một số biển báo bằng tiếng địa phương. Khi đến nơi, kính nhanh chóng nhận ra di tích này, và hiển thị các thông tin liên quan như năm xây dựng, vv. Bạn bảo kính chụp một vái tấm ảnh, quay phim cảnh hai vợ chồng chơi đùa với bọn trẻ, và đưa lên Facebook kèm theo 1 bình luận hóm hỉnh mà bạn nghĩ ra. Khi mua một số đồ lưu niệm, bạn lại phải nhờ kính đổi tiền địa phương ra tiền nước mình, để còn hình dung xem đắt rẻ thế nào!

Tiềm năng của Google Glass không dừng lại ở những tính năng và ứng dụng mà Google cung cấp sẵn. Hiện tại Google đã công bố công cụ cho phéo các nhà phát triển viết các ứng dụng cho Google Glass. Vì thế, chúng ta có thể trông đợi vô số ý tưởng thú vị sẽ xuất hiện trên chợ ứng dụng dành cho Google Glass.

"Thực tế được bổ sung" (tạm dịch từ Augmented Reality) là điều đầu tiên người ta nghĩ đến khi nói tới Google Glass. Khả năng nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng vật thể sẽ trở nên thuận tiện hơn nhiều khi đeo kính so với sử dụng camera của smartphone. Nếu kính nhận diện được người hoặc vật thể truớc mặt, nó hoàn toàn có thể bổ sung thêm các thông tin và hình ảnh liên quan khiến bạn cảm nhận thực tế một cách đầy đủ hơn. Hãy tưởng tượng bạn nhìn quanh phòng, và kính sẽ hiện câu trang thái facebook trên đầu mỗi người! Hoặc bạn nhìn tháp Effel, và kính hiện thị hình ảnh quay các góc độ khác nhau và các thông tin phụ về tháp.

Kính Google hiển thị thông tin về cầu Brooklyn

Theo dõi cử động của mắt là một chủ đề thú vị. Người ta tìm thấy trên kính bản Khám phá một cảm biến nhỏ, được cho là cảm biến hồng ngoại. Với cảm biến này, không những việc phát hiện "nháy mắt" là dễ dàng, mà việc theo dõi các cử động của mắt như "liếc qua liếc lại", "đá lông nheo", "trợn mắt" là hoàn toàn hiện thực. Thực tế, đã xuất hiện ứng dụng cho phép chụp ảnh bằng cách nháy mắt. Google cũng đã đăng kí sáng chế: di chuyển mắt theo hình để mở khóa màn hình. Theo dõi cử động mắt còn có thể áp dụng cho nhiều lính vực khác, từ quảng cáo (xem người dùng thường nhìn vào đâu) đến tâm lý học. Một ngày nào đó, bạn sẽ chơi chém hoa quả (Fruit Ninja) bằng mắt!

Các ứng dụng quen thuộc như Facebook, Twitter, Instagram, các ứng dụng sức khỏe (theo dõi việc chạy bộ, đạp xe) sẽ nhanh chóng có mặt trên Google Glass. Các ứng dụng như nhận dạng ngôn ngữ cơ thể, nét mặt để đánh giá ý định, cảm xúc, thái độ cũng sẽ trở nên tiện lợi và thú vị hơn trên Google Glass. Với tính năng quay phim trực tiếp từ góc nhìn của người đeo kính, việc quay các cảnh thực tế (theo kiểu truyền hình thực tế) sẽ thú vị hơn. Kể cả bạn muốn quay phim cách làm 1 món ăn để đưa lên Youtube thì mọi thứ cũng sẽ sinh động hơn.

Thậm chí, Google đã đăng kí một bằng sáng chế về việc dùng kính để điều khiển thiết bị. Chẳng hạn, khi kính nhận ra trước mặt là cái TV, nó có thể kết nối tới TV để điều khiển. Một sáng chế khác: bàn phím ảo. Kính sẽ chiếu hình bàn phím lên bàn tay trái, sau đó bạn dùng tay kia để "gõ" lên đó. Camera sẽ phân tích và xác định xem phím nào được gõ!

Còn một điều tuyệt vời nữa: Google không cho phép thu phí ứng dụng hoặc quảng cáo trên Google Glass. Mặc dù không chắc là Google sẽ giữ mãi chính sách này, nhưng họ sẽ không thay đổi một sớm một chiều.

3. Những lo ngại và phản đối

Những phấn khích về kính Google đi kèm với những lo ngại.

Ảnh hưởng tới sức khỏe

Một số người đang sử dụng kính áp tròng khi đeo thêm kính Google cho biết bị đau đầu. Những người từng mổ mắt bằng laser được khuyến cáo không dùng chiếc kính thông minh này.

Một vấn đề khác là sóng bức xạ (radiation). Lâu nay vẫn có một vài lo lắng rằng sóng bức xạ của điện thoại có thể ảnh hưởng tới não. Cho dù Google đã trấn an là chiếc kính thông minh của họ phát ra rất ít sóng thì việc nó được đeo trên đầu, gần não hơn, vẫn khiến một số người lo lắng hơn.

Người ta cũng lo lắng kính sẽ làm giảm sự tập trung làm việc, khi mà thông tin cứ hiển thị ngay trước mắt làm phân tán sự chú ý. Hơn nữa, việc nhìn vào màn hình quá nhiều cũng sẽ gây mỏi mắt. Có người thì lo ngại tình trạng "nghiện glass", giống như nghiện facebook, sẽ làm giảm thời gian giao tiếp thực sự của con người và gián tiếp ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe.

Xâm phạm quyền riêng tư

Mối quan ngại lớn nhất đối với chiếc kính thông minh này là khả năng nó được sử dụng để xâm phạm quyền riêng tư. Lẽ dĩ nhiên, kính cần bị cấm trong... nhà vệ sinh, các câu lạc bộ thoát ý, rạp chiếu phim, các nơi nhạy cảm, các nơi cần bảo mật, hoặc đơn giản là nơi cấm chụp hình. Ngay cả ở những nơi công cộng, không ai muốn bị chụp ảnh, ghi âm, và quay phim trộm. Vẫn biết người ta cũng làm được những việc đó bắng smartphone, nhưng việc chụp trộm bằng kính được cho là khó phát hiện hơn nhiều.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là kính Google trông rõ ràng là khác kính thường, và người đối diện sẽ nhận ra nó ngay. Nếu kính đang bật, sẽ có ô sáng màn hình dễ nhận thấy. Và khi bạn dùng giọng nói hoặc cử chỉ để ra lệnh, đối tượng cũng có thể phát hiện sự bất thường. Nhưng chừng ấy là chưa đủ để xua tan những lo ngại.

Văn hóa dùng kính

Nếu bạn đang giao tiếp mà thỉnh thoảng lại ngắt quảng để "nói chuyện với kính" thì sẽ thật không bình thường. Khi tiếp xúc với người đeo kính, đối phương cũng thấy không thoải mái và đề phòng hơn. Kính thông minh là một sản phẩm mới. Qua thời gian, mọi người sẽ quen với nó và hình thánh quy tắc ứng xử sao cho phù hợp.

Luật lệ

Ở Mỹ đã có nhiều nhóm vận động chống Google Glass. Những trang như Stops The Cyborgs còn cho phép bạn tải về các logo mang ý nghĩa cấm chiếc kính này. Một số cơ sở kinh doanh đã cấm mang kính vào, ví dụ quán The 5 Point Café ở Seattle hay một sòng bạc ở Las Vegas. Một nhóm người còn kí đơn kiến nghị Nhà Trắng cấm Google Glass. Một số bang ở mỹ đang xem xét việc cấm Google Glass khi lái xe. Dù chiếc kính này mới được thử nghiệm ở Mỹ, một số nguời đã chỉ ra rằng nó không phù hợp với luật pháp ở một số nước khác, chẳng hạn Nga, Ukraine và các nước thuộc liên xô cũ!

Trong một số trường hợp, Google Glass lại có ích cho việc thực thi pháp luật. Cung cấp bằng chứng phạm tội hoặc bằng chứng ngoại phạm chẳng hạn.

4. Liệu kính Google có làm nên chuyện?

Sau tất cả những ồn ào, một câu hỏi được đặt ra là: liệu cái kính này có làm nên chuyện? Liệu nó có thể thay đổi cuộc chơi như cái cách mà iPhone đã làm được?

Quan điểm dưới đây là quan điểm cá nhân của tác giả.

Mặc dù đột phá về mặt ý tưởng và công nghệ, Google Glass sẽ không là một thành công lớn về mặt kinh tế. Lý do ư?

  • Các tính năng của kính, dù rất thú vị, chưa phải là những cái thiết thực và người dùng cần. Người dùng dành phần lớn thời gian đọc tin tức, lướt mạng xã hội, chơi games, xem video. Mà những việc này thực hiện trên các thiết bị truyền thống vẫn thuận tiện hơn trên kính nhiều.
  • Việc điều khiển bằng giọng nói còn nhiều giới hạn. Số lệnh mà kính hiểu còn hạn chế. Số ngôn ngữ được hỗ trợ cũng sẽ hạn chế, và mức độ thuần thục của kính đối với từng ngôn ngữ cũng sẽ khác nhau. Vì thế, khả năng điều khiển còn khoảng cách rất xa so với bàn phím, chuột, và màn hình cảm ứng.
  • Việc kè kè một cái kính trên mắt là điều không phải ai cũng thấy thoải mái. Những người lớn tuổi sẽ không coi đây là việc tốt cho sức khỏe.
  • Giá bán cũng là 1 yếu tố quan trọng. Nếu Google có thể bán nó với giá 250USD, chắc chắn chiếc kính sẽ phổ biến ở mức nhất định. Nhưng nếu Google định giá nó như 1 smartphone đắt tiền, có lẽ nó sẽ chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp những người mê công nghệ.

Riêng vấn đề "quyền riêng tư", tôi lại không coi đây là một trở ngại trong việc phổ biến kính. Những người đàng hoàng sẽ có cách dùng kính phù hợp. Với các đối tượng còn lại, đôi khi vi phạm sự riêng tư của người khác lại là một điều thích thú.

Dù vậy, Google chắc chắn sẽ ko dừng lại ở đây. Họ đã đầu tư rất bài bản và nghiêm túc, và chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi như vậy cho đến khi sản phẩm trở nên phù hợp với đại chúng. Nếu không, sẽ có một ngày Apple hoặc ai đó nhảy ra cướp mất thời cơ, bằng một chiệc iGlass chẳng hạn.

Trào lưu "máy tính đeo/mặc trên người" (wearable computer) là rất tiềm năng. Tiềm năng lớn này sẽ thúc đẩy những nghiên cứu để xóa đi những hạn chế hiện tại, thậm chí biến hạn chế thành ưu điểm. Công nghệ nhận dạng giọng nói và nhận dạng chuyển động sẽ phải phát triển hơn nữa cho đến khi nó trở nên thực sự mạnh mẽ. Bây giờ thì từ Apple, Google, Micrsoft cho tới Sony, Sample, LG và cả các startups nhà nhà người người đều đang làm hoặc có kế hoạch làm kính và đồng hồ thông minh. Thế giới đang chờ đợi một cuộc cách mạng trong công nghệ máy tính. Đó có thể là Google Glass, là Apple iWatch, là chiếc kính chơi game 3D, là máy in 3D, là chiếc nhẫn đặc biệt hay là một món đồ gì khác. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu...

Tham khảo:

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.