Lan man nghĩ từ phi trường Tokyo

Bài viết này tôi viết đầu năm 2007 tại sân bay Narita trong một lần lỡ chuyến bay về Việt Nam.

Tokyo se lạnh, 10h sáng. Chuyến bay Tokyo - Hà Nội cất cánh lúc 11h. Chắc chắn sẽ bị lỡ chuyến bay nhưng không hiểu sao tôi vẫn cố bắt chuyến tàu ra Narita Airport - hy vọng, biết đâu, bằng cách nào đó, máy bay trễ chẳng hạn, tôi sẽ vẫn lên kịp máy bay. Kéo lê được hành lý lên đến tầng 3 thì cũng là lúc bảng điện tử chuyển biểu tượng của chuyến bay sang “departed” (đã cất cánh). Ngao ngán.

Các đô vật Sumo thực hiện 1 nghi lễ
Các đô vật Sumo thực hiện 1 nghi lễ

Cầm chiếc MacDonald và một lon bia Ashahi trên tay, tôi chọn một chiếc ghế còn trống giữa hàng ghế đợi, bên cạnh một gã tây ba lô râu ria xồm xoàm với một vali hành lý cũng bự như chính thân hình của gã. Màn hình lớn đang chiếu những quy định mới về việc mang chất lỏng lên máy bay; rồi đến cảnh thủ tướng Shinzo Abe, bằng thứ tiếng Anh đậm chất Nhật, đang giới thiệu về vẻ đẹp đất nước và văn hoá Nhật Bản.Từng dòng người dài rồng rắn xếp hàng vào nơi gửi hành lý. Có đi Nhật mới thấy được cái văn hoá xếp hàng ở nơi đây. Nhân chuyện văn hóa, gần đây xem TV thấy Hà Nội đang tuyên truyền cho việc phân loại rác (giống như bên Nhật đã làm từ lâu). Có người gọi đó là văn hóa đổ rác, có người dịch ra tiếng Anh là garbage culture (?!). Trời mà biết được từ văn hóa trong tiếng Việt ngoài ý nghĩa là... văn hóa (culture) còn có ý nghĩa kiểu như cách xử sự, thói quen mà xã hội coi là phù hợp, lành mạnh : văn hóa điện thoại (sử dụng điện thoại 1 cách văn minh), văn hóa đọc, văn hóa đi vệ sinh... Người ta mô tả một thằng mất dạy là đồ vô văn hóa, đỡ hơn tí thì là thiếu văn hóa, còn trong sơ yếu lý lịch thì trình độ học vấn được ghi là… trình độ văn hóa!!

Hơn nửa triệu người Nhật xếp hàng vào hội chợ sách Comiket

Khi tôi nói chuyện với 10 người Việt đã từng có thời gian ghé qua Nhật thì có tới ít nhất 8 người kêu ca sống bên Nhật rất đơn điệu, buồn chán. Lần đầu tiên đặt chân đến Nhật, đa số đều thấy bất ngờ pha chút hụt hẫng bởi mọi thứ không giống như hình dung khi ở nhà. Những tòa nhà, những con phố buồn tẻ. Dòng người đi bộ qua lại như dòng nước - vội vã, lặng lẽ và vô cảm, hối hả đến cơ quan cho kịp giờ làm. Có lẽ việc không nói được tiếng Nhật khi ở trên đất Nhật là một điều tệ hại, vì đa số người Nhật ngần ngại hoặc mặc cảm về vốn tiếng Anh của mình. Điều có lẽ là ưu điểm của Nhật là một xã hội rất có trật tự (hay văn minh, như nhiều người vẫn gọi dù tôi không thích cái từ ấy). Người Nhật rất nghiêm túc và có trách nhiệm công việc. Rất nhiều người làm quá giờ rất khuya và có vẻ họ xem đấy là nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm công ăn lương. Không đòi hỏi gì nhiều, không cần khích lệ gì đặc biệt. Tôi chợt so sánh với Việt Nam khi mà nhân viên có người đến muộn hàng tiếng, ăn sáng, lướt web, chat chit, trà đá, cà phê đã mất nửa ngày làm việc. Vậy mà vẫn hay thấy người Việt tự hào là siêng năng chăm chỉ!! Chắc là do thời còn đi học được nhồi nhét nhiều truyện cổ tích, người nông dân chân chính chân lấm tay bùn, làm việc quần quật, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Chợt nhớ tới chuyện Cây tre trăm đốt được dạy trong sách giáo khoa. Anh Khoai cần cù thật thà bị phú ông lừa đến làm việc cho nhà mình. Ở đây không phải anh Khoai đi làm để kiếm miếng cơm manh áo, hay vì bố mẹ anh Khoai hiền lành kia đã trót vay nợ gì lão phú ông cơ hội nọ. Điều chính yếu động cơ của anh Khoai là cô con gái phú ông xinh đẹp. Ừ, ít ra thì Khoai nhà ta cũng có ưu điểm là người sống và làm việc có mục đích! Tôi không hiểu sao phú ông lại chấp nhận một rủi ro cao như vậy đối với cô con gái rượu của mình khi hứa gả cho Khoai. Hẳn là ông không chủ quan, có lẽ ông biết trước Khoai là thế nào, có lẽ ông đã có kinh nghiệm làm việc với nhiều người nông dân khác như Khoai. Và ngày Khoai được “trả công” cuối cùng cũng đến, phú ông điềm nhiên thêm một điều khoản không có trong hợp đồng (chuyện có lẽ chỉ có ở Việt Nam): lên rừng tìm chặt cây tre trăm đốt. Một cây tre có trăm đốt! Nếu tôi là phú ông, tôi sẽ ra điều kiện là cây tre, xem nào, khoảng 40 đốt thôi. Bốn mươi đốt nghe ra ít giống một trò bịp bợm hơn một trăm đốt rất nhiều, mà vẫn đủ bất khả thi để Khoai nhà ta bó tay. Nhưng phú ông đã tỏ ra có lý. Với một người như Khoai, thì 40 hay 100 đốt chắng khác nhau gì. Vậy thì sao không đưa ra điều kiện trăm đốt cho chắc ăn. Vậy là Khoai nhà ta, một chàng trai khoẻ mạnh lực lưỡng hùng hục hùng hục vác dao lên rừng tìm tre (tôi rất ấn tượng hình ảnh này!).Tôi và các bạn đều biết đấy không phải là “thật thà” hay “cả tin”… mà là rất… “anh Khoai”.

Có một điều tôi thấy là tuyệt đối tất cả các dân tộc đều tự nhận người mình thông minh. Tôi sẽ rất ngượng nếu nói với một người bạn Nhật rằng người Việt Nam có ưu điểm là thông minh (gì cơ, mày ngụ ý rằng người Nhật không thông minh bằng người Việt Nam hay sao? rằng người Việt Nam là nòi giống thượng đẳng hay sao?). Vậy thì khoe gì đây với những người bạn nước ngoài? Tôi biết chẳng thể khoe gì và làm một người khác tin nếu họ không thực sự (ít ra là lờ mờ) cảm nhận được nó. Và một trong những cách để họ cảm nhận được là nhìn thấy điều đó ngay trong chính người đang tiếp xúc, làm việc với họ. Cần phải là một người Việt Nam điển hình!

Một nhân viên nhà ga cúi mình chào hành khách trên tàu điện

Nhật là một xã hội văn minh, bất kỳ ai cũng phải công nhận như vậy. Là một nhân viên viên chăm chỉ, buổi sáng bạn dậy sớm để đón cho kịp chuyến tàu đến cơ quan, cúi đầu chào bác bảo vệ, nhường nhau ở lối đi, đợi mọi người ra hết mới vào thang máy, giữ nút mở thang máy cho đến khi mọi người vào hết, rồi ở từng tầng khi thang máy dừng lại giữ nút mở để mọi người ra. Vào bàn làm việc, cúi chào mọi người rồi im lặng làm việc. Đến giờ cơm trưa, rồi đến giờ về. Nhiều người ở lại làm khuya. Tôi mơ hồ cảm thấy sự mệt mỏi của xã hội này, có thể không phải là sự mệt mỏi sau một đêm trắng không ngủ, nhưng là sự mệt mỏi của chuỗi ngày dài ngủ không đẫy giấc. Dường như Nhật Bản, một đất nước vẫn thường tự hào là nghèo tài nguyên (!), đã tận dụng hết mức nhà nước có thể nguồn tài nguyên con người. Họ làm điều đó bằng kỷ luật, bằng việc tạo ra những khuôn thức cho ý thức xã hội. Không ở đâu người ta làm việc này tốt hơn đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra lực cản cho những ai muốn vượt qua những bức tường vô hình của xã hội, làm co lại khoảng trống dành cho những khát vọng, những ước mơ thay đổi số phận của một người Nhật bình thường. Tôi chợt nhớ lại đã đọc ở đâu đó người ta viết về nước Nhật và “mức độ kiểm soát của nhà nước đối với hành vi và diện mạo của người dân”. Quả thực bất kì người Việt Nam nào sang đây, bị nhiễm cái không khí ở nơi này, đều làm việc hiệu quả và trách nhiệm hơn, như là đã thay đổi thành một con người khác.

Cô nhân viên hãng hàng không Nhật tươi cười hướng dẫn tôi rất tận tình việc đổi vé máy bay sang chuyến ngày hôm sau. Thất thểu kéo lê hành lý ra khỏi sân bay, tôi ngán ngẩm nghĩ xem tối nay sẽ ngủ tạm ở đâu. Giá mà lúc này đang ở Việt Nam, luôn có ngay vài thằng bạn sẵn sàng cafe chém gió.

Sân bay Quốc tế Narita, Tokyo - 3/2007

Nếu bạn thấy hay, hãy chia sẻ. Điều đó động viên tôi viết tiếp.

Chia sẻ click

Các bài khác

Trang chủ

GẦN ĐÂY XEM NHIỀU LINH TINH  × 

Đăng kí thành công

Cảm ơn bạn đã đăng kí.